Header Ads

header ads

Cách nhận biết môi trường ao nuôi qua màu nước

Cách nhận biết môi trường ao nuôi qua màu nước có vai trò quan trọng trong quá trình nuôi tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sinh trưởng và phát triển của tôm, giúp người nuôi trồng dễ dàng đưa ra những phương pháp can thiệp hiệu quả, đảm bảo môi trường ao nuôi ổn định. 

Sự quan trọng của việc quan sát màu nước ao nuôi 


Màu nước là một trong những yếu tố dễ nhận biết, dễ quan sát nhất để người canh tác ao nuôi có thể đánh giá được môi trường ao nuôi của mình đang có những vấn đề gì để dễ dàng can thiệp/ tác động kịp thời nhất để đảm bảo tôm/ cá có môi trường thuận lợi, ổn định nhất để phát triển. 

Về yếu tố màu sắc, ao nuôi có nhiều loại màu, mỗi loại có những yếu tố riêng để đánh giá về tác động tốt hay xấu, thuận lợi hay không thuận lợi cho sức khỏe và sự sinh trưởng của tôm cá. Chín vì thế, người nuôi tôm cần nắm vững những quy luật thay đổi màu nước để kịp thời can thiệp và có những biện pháp phòng ngừa những tác động xấu tới môi trường ao nuôi. 

Những loại màu sắc của ao nuôi 


1. Nước ao nuôi có màu vàng nâu (Hay còn gọi là màu nước trà) 


- Đây là màu nước thuận lợi nhất, tốt nhất để nuôi các loại thủy hải sản nước lợ, nước mặn. 

- Nguyên nhân: do sự phát triển của tảo silic hay còn gọi là tảo khuê (Bacillariophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh ở môi trường nước lợ, mặn vào đầu vụ nuôi. Tảo silic có thành phần dinh dưỡng cao là nguồn thức ăn rất tốt. 

Màu nước là một trong những yếu tố dễ nhận biết, dễ quan sát nhất


2. Nước ao nuôi có màu đọt chuối (màu xanh nhạt) 


- Đây cũng là màu nước thuận lợi để nuôi các loại thủy sản trong môi trường nước ngọt, nước lợ. 

- Nguyên nhân: do sự phát triển của tảo lục (chlorophyta), loài tảo này thường phát triển mạnh trong môi trường nước ngọt hoặc nước lợ ( < 10‰). Tảo lục có tác dụng ổn định các yếu tố thủy lý hóa trong ao, hấp thu các chất hữu cơ thông qua đó làm giảm lượng khí độc trong ao. Ngoài ra, tảo lục còn có khả năng sinh ra chất chống lại vi khuẩn vibrio sp.. 

- Người nuôi nên cố gắng duy trì màu nước xanh nhạt, như vậy các loài thủy sản sẽ phát triển tốt hơn. 

3. Nước ao nuôi có màu xanh đậm ( xanh rêu) 


- Đây là màu nước không thuận lợi cho các vật nuôi, cần phòng trừ. 

- Nguyên nhân: do sự phát triển của tảo lam (Cyanophyta), loài tảo này phát triển mạnh cả trong môi trường nước ngọt, lợ, mặn. 

- Tảo lam là loài tảo được xem là độc hại vì một số loài tiết ra chất độc và một số loài gây ra hiện tượng nở hoa. Khi tảo lam xuất hiện nhiều thì ao sẽ có mùi hôi, đồng thời tiết ra chất nhờn ở màng tế bào gây tắt ngẽn mang tôm. 

4. Nước ao nuôi có màu gỉ sét (vàng đậm) 


- Đây là màu nước không thuận lợi, không tốt cho sự phát triển của vật nuôi. 

- Nguyên nhân: màu này thường xuất hiện ở các ao nuôi mới đào trên vùng đất phèn. Màu cam là do đất phèn tiềm tàng (FeS2) bị oxy hóa tạo thành các váng sắt. 

- Biện pháp xử lý: Đối với ao có màu nước vàng cam cần có biện pháp khử phèn trước khi thả nuôi, có thể sử dụng vôi nông nghiệp hay bơm, xả nước nhiều lần để rửa trôi lượng phèn trong ao. Đối với các ao đang nuôi thì cần rải thêm vôi trên bờ ao để tránh hiện tượng pH giảm đột ngột khi trời mưa. 

5. Nước ao nuôi có màu đỏ gạch, màu đất đỏ 


- Không nên xả dòng nước này vào ao nuôi bởi vì lượng phù sa nhiều sẽ làm tôm, cá khó hô hấp và giảm khả năng bắt mồi. 

- Nguyên nhân: nhiều phù sa do đất cát bị xói mòn từ vùng thượng nguồn được dòng nước mang đến vùng hạ lưu; thường xảy ra khi sắp có lũ về. 

- Cách khắc phục: nên cấp nước vào ao lắng trước khi cung cấp cho các ao đang nuôi. 

6. Nước ao nuôi có màu nâu đen 


- Nguyên nhân: do việc quản lý thức ăn dư thừa, phân tôm nhiều,..dẫn đến tính tan của chất hữu cơ huyền phù ( trôi nổi) cũng tăng theo. Làm cho nước và đáy có mùi tanh hôi, dẫn đến tỉ lệ phát bệnh của tôm tăng cao. 

- Cách khắc phục: Có thể thay nước nhiều lần đến khi hết màu nâu đen, hoặc kết hợp sử dụng thêm các loại chế phẩm sinh học, hóa chất có thể hấp thu khí độc. 

7. Nước ao nuôi màu trắng đục 


- Nguyên nhân: là do các vi sinh và động vật phù du trong nước phát triển mạnh, các loài tảo bị động vật phù du ăn mất dẫn đến thiếu oxy trong nước. Hoặc do tiêm mao trùng, luân trùng, các loài động vật chân chèo, các hạt đất sét và vụn bã hữu cơ trong nước quá nhiều. 

- Khắc phục: Cần sử dụng những loại men vi sinh/ chế phẩm hóa học có tác dụng chuyên biệt để khắc phục. 

Quan sát màu nước trong ao nuôi tôm là yếu tố rất quan trọng. Vì vậy, để tôm phát triển và sinh trưởng nhanh chóng bà con cần thường xuyên quan sát màu nước trong ao nuôi để xử lý kịp thời bằng cách sử dụng những loại hóa chất xử lý nước, ổn định độ PH cho môi trường ao nuôi.

Không có nhận xét nào

Được tạo bởi Blogger.